Header Ads

Digital Marketing Mix : Product & Price của 4Ps

Có thể là một sự trùng hợp thú vị, cuối năm trước tôi có dịp làm diễn giả của buổi offline “SEO 2013: Định hưởng để thành công"  với chủ đề  “Future of Digital” - cầu nối giữa Digital Marketing với SEO, năm nay tôi lại tiếp tục làm cầu nối giữa Digital Marketing với cộng đồng IT Leader Club.


Tôi trích nội dung đã trình bày về 2 yếu tố căn bản nhất trong Digital Marketing Mix là Product & Price để giúp các bạn hiểu thêm về digital marketing cũng như việc vận dụng thực tế 4Ps trong thế giới digital.

DIGITAL WORLD



Một thống kê từ BI cho chúng ta thấy có gần 3 tỉ người online, chiếm chưa đầy một nửa so với dân số trên thế giới - vốn có hơn 7 tỉ người. So với tỉ lệ này, Việt Nam có khoảng 30 triệu người online, chiếm 35% dân số là một con số lạc quan.

Tỉ lệ này thấp hơn so với Trung Quốc - chiếm 42% dân số và cao hơn nhiều so với con số 1,1% của Myanma và 4,9% của Cambodia.

Đến cuối tháng 10/2013, giá trị các công ty là đại gia mà hầu hết chúng ta đều biết như Time Wanrner, Disney, 21st Century Fox.. thấp hơn giá trị của Google và Apple cộng lại.

Google, với hơn 95% doanh thu đến từ quảng cáo trực tuyến định vị mình là công ty “trên đám mây” cho chúng ta thấy tầm quan trọng của quảng cáo trực tuyến, của thế giới digital marketing đang hiện hữu xung quanh chúng ta.

DIGITAL MARKETING LÀ GÌ?

Vậy thế giới digital marketing đó là gì? Chúng ta hãy bắt đầu bằng điều cơ bản nhất, câu chuyện trước khi có internet, trước khi có khái niệm digital marketing: theo bạn marketing là gì?

Nếu bạn Google từ khóa này, bạn sẽ tìm thấy rất rất nhiều câu trả lời khác nhau. Tuy nhiên, về cốt lõi, marketing = market + ing. Làm thế nào để đưa sản phẩm ra thị trường. Chấm hết.

Nếu bạn muốn làm một website thương mại điện tử hay có ý định làm một ứng dụng trên di động, bạn sẽ bắt đầu như thế nào? Với nhiều chuyên gia về công nghệ hay lập trình viên chuyên nghiệp, cài đặt một website Magento không phải là vấn đề lớn với các bạn. Nhưng sau khi cài đặt xong thì làm thế nào để đưa sản phẩm ra thị trường, làm sao để thành công.

Nếu chỉ có riêng về kỹ thuật, có lẽ đội ngũ của VNG đủ giỏi để duy trì được Zing Deal. VNG không duy trì Zing Deal không phải vì kỹ thuật họ không thể đáp ứng. Project Lana tái tập trung vào Bé Yêu không phải vì đội ngũ kỹ thuật không thể đáp ứng nhiều dự án hơn.

Điều gì đã làm các sản phẩm này thành công và sản phẩm kia thất bại? Tech có vẻ như không phải là nguyên nhân chủ yếu của các sự kiện kể trên. Bài học về cốt lõi của Marketing Mix trong thời đại digital có lẽ sẽ không bao giờ cũ!

P1:  PRODUCT


Từ bao giờ Zing Me trở thành cổng game ? Xuất phát điểm là tham vọng muốn xây dựng một mạng xã hội cho Việt Nam, nhưng sau mấy năm chiến đấu với Facebook, Zing Me đã biến thành mạng xã hội dành cho cộng đồng game thủ. Game Over cho tham vọng mạng xã hội nhưng lại là một khởi đầu tốt cho một định vị mới.

Hãy xem lại tham vọng của Zing Me bằng bài viết cách đây 4 năm, với phát biểu của Vương Quang Khải, phó tổng VNG : “Các mạng xã hội thế hệ thứ ba (mà Zing Me và Facebook là hai đại diện) đều không có sự khác biệt quá lớn. Sản phẩm mới ra đời không có nghĩa là phải phủ nhận cái cũ, mà quan trọng là cải tiến cái cũ, đưa ra được những giá trị mới phù hợp hơn. Facebook khi mới ra đời chỉ là một bản sao của mạng xã hội Friendster nhưng do có một số tính năng mới thuận tiện hơn nên đã được người dùng đón nhận nhiệt tình

Niềm tin vào một sản phẩm tốt hơn sẽ dành chiến thắng đang mang lại lửa cho đội ngũ của Zing Me, vào thời điểm mà keyword “mạng xã hội” nóng hơn bao giờ hết. Tốt hơn sẽ có thị phần nhiều hơn? E rằng không.

Và đây là mục tiêu mới của VNG

Nguồn: Zing
Bạn có chắc một chiếc đồng hồ Rolex, trị giá khoảng 2 tỉ sẽ chạy chính xác hơn đồng hồ điện tử Casio giá 300 USD? Bạn có biết trong cuộc thử mù giữa Pepsi và Coke, sản phẩm nào được người dùng ưa thích hơn không?

Với mạng xã hội, khi Zing Me chỉ là một follower của Facebook, với nhiều cải tiến hơn nhưng không thể cung cấp được các liên kết ra bên ngoài Việt Nam đã bị Facebook chiếm hữu. Facebook sở hữu từ “connection” - giúp chúng ta kết nối và duy trì các mối quan hệ mỏng manh.

Khi lượng người dùng của Facebook đủ lớn, ảnh hưởng bởi “network effects”: giá trị của một mạng xã hội hoặc một sản phẩm dịch vụ phụ thuộc vào việc có bao nhiêu người đang dùng nó. Facebook, Skype, điện thoại di động, các ứng dụng OTT như Viber, Line, Zalo là một số ví dụ. Càng có nhiều người dùng mới thì người đang ở bên trong network sẽ càng nhận được nhiều giá trị, đồng thời network càng lớn thì người mới tham gia cũng nhận được nhiều giá trị hơn. 

Nói một cách dễ hiểu, nếu có quá ít người dùng Viber, cài đặt xong bạn sẽ gọi cho ai? 

Những người dùng mới sẽ tham gia vào mạng xã hội mang lại cho họ nhiều giá trị hơn. Vào thời điểm đó, Facebook đang là số 1 toàn cầu và đã có kịp 2 triệu người Việt Nam kết nối. Trong khi đó Zing Me dựa trên cộng đồng game thủ hơn 8 triệu người, nhưng lại không có kết nối với nhau, không có tương tác chất lượng nên người dùng tham gia vào Facebook và ngoảnh mặt với Zing Me. Không quá khó để nhận thấy Zing Me đang là một sản phẩm đuổi theo. 

Với cùng câu hỏi, chúng ta sẽ đặt ra với Anphabe, một sản phẩm clone của LinkedIn, liệu họ có thành công? 

P2. PRICE

Trong cuộc đua về mạng xã hội, để đuổi kịp và vượt qua Facebook là một câu hỏi lớn. Tuy nhiên bạn không nhất thiết phải là người theo đuôi (follower).  Bạn có thể cung cấp cấp một giá trị hoàn toàn khác, nếu không muốn nói là ngược lại, bạn sẽ ghi dấu ấn của mình trong tâm trí người dùng. Snapchat, công ty từ chối đề nghị mua lại với giá 3 tỉ USD tiền mặt từ Facebook là một ví dụ.


Snapchat đã mang lại giá trị gì khác với Facebook, khiến cho người dùng upload hình ảnh nhiều hơn cả Facebook, mạng xã hội có hơn 1 tỉ người? Mỗi ngày, trung bình có 400 triệu hình ảnh và video được gửi qua Snapchat, bằng Facebook và Intagram cộng lại. 

Facebook được định vị là timeline, phản ánh con người thật của bạn trong cuộc sống, bạn là người thật. Những gì bạn post trên đó sẽ tồn tại mãi mãi. Snapchat cung cấp giá trị ngược lại: những gì bạn upload chỉ là tạm thời - temporary social media - chỉ tồn tại trong 10 giây ngắn ngủi. Những hình ảnh video bị xóa bỏ hoàn toàn, tránh rủi ro người gửi bị ảnh hưởng sau này - những giây phút mà sau đó người ta chỉ muốn quên đi hoặc những hình ảnh sợ bị bố mẹ phát hiện.

Về kỹ thuật, những gì Snapchat làm được, chúng ta có thể làm được, nhưng giá trị mà Snapchat mang lại, trải nghiệm mà họ mang lại không chỉ thuần túy là kỹ thuật mà là mức độ hiểu sâu về thói quen người dùng, là tầm nhìn về khoảng trống thị trường.

Vậy còn Webtretho thì sao? Liệu WTT có thành công? Hãy cùng xem các chủ đề được chia sẻ trên WTT: chuyện "thắc mắc về lần đầu quan hệ", chuyện "nhật ký đêm tân hôn", chuyện "đời sống tình dục của vợ chồng"..


Trong buổi offline, rất nhiều bạn đã cười khi tôi đọc các số chủ đề này. Nhiều bạn có thể chưa biết Webtretho có những chủ đề này.  Liệu chúng ta có dám trao đổi tâm sự thầm kín, chuyện giường chiếu, chuyện chính họ đang ngoại tình, những ray rứt, những tổn thương.. bằng Facebook? Chắc chắn là không.

Webtretho cung cấp giá trị ở một góc mới, khác với Snapchat. Ở đó là bạn có thể không phải người thật, nơi bạn có thể tâm sự với một nick name mà không ai biết bạn. Ở vai trò là Product Manager của mục Tâm sự, tôi phải đọc rất nhiều bài để hiểu được những suy nghĩ sâu kín (customer insight) của người sử dụng. Tôi bắt gặp rất nhiều chủ đề tâm sự bắt đầu với câu : Em là member cũ, nhưng đăng ký nick mới để dễ tâm sự.

Webtretho giống như một ngôi nhà để họ bày tỏ, bộc lộ để được an ủi, tư vấn, để băng bó trái tim đang tan vỡ. Ở Webtretho, họ là vô danh, họ có thể bày tỏ. WTT hoàn toàn trái ngược với Facebook. Đó chính là giá trị và định vị để mang lại giá trị mà Facebook không thể nào làm được. Nếu Facebook cũng tập trung vào giá trị này họ sẽ ra khỏi giá trị cốt lõi của chính họ.

Marketing thường bắt đầu bằng cách tìm kiếm các khoảng trống trong thị trường và đáp ứng các các nhu cầu đó. Khi công nghệ bắt đầu từ nhu cầu của người dùng, bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng.

Với các sản phẩm như Snapchat, Webtretho, mức giá cho người sử dụng không phải là họ phải trả bao nhiêu tiền, đơn giản vì các dịch vụ này miễn phí. Mức chi phí ẩn mà họ phải trả cho mỗi sản phẩm gần như nhau: thời gian, chi phí internet, chi phí điện..

Yếu tố Price trong Marketing thường đi đôi với Giá Trị (Value) mà người dùng nhận được. Khi mức chi phí phải trả gần bằng không, các sản phẩm sẽ tập trung vào tập giá trị mà người dùng nhận được khi sử dụng các sản phẩm dịch vụ này. Sản phẩm dịch vụ nào mang lại nhiều giá trị hơn cho người dùng sẽ chiến thắng.

Cũng như một chàng trai mang nhẫn đi cầu hôn một cô gái, nếu chiếc nhẫn của bạn  - sản phẩm của bạn - mang lại giá trị thực sự cho người dùng, giúp cho cuộc sống tốt đẹp hơn, thuận tiện hơn, lời cầu hôn của bạn sẽ được chấp nhận!

3 nhận xét:

  1. Viết hay quá Hiển. Vấn đề là cô gái có thích giá trị thực sự của chiếc nhẫn hay ko thì tặng rồi chàng trai mới biết! Mà market thì có rất nhiều cô nàng đỏng đảnh. Có khi thương tích đầy mình rồi mới biết các em ý thực sự thích gì:)

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết có bàn về 1 số mặt khá đúng như trường hợp của SnapChat và WebTreTho, nhưng đây là chúng ta chỉ nói về những gì đã xảy ra ở quá khứ. Vậy trong tương lai, làm sao làm được 1 sản phẩm như vậy hơn là chỉ thảo luận suôn?

    Trả lờiXóa

Khi nhận xét, vui lòng dùng Tên riêng hoặc Nickname

Được tạo bởi Blogger.