Header Ads

Học Marketing rồi làm việc ở đâu?

Nếu câu trả lời của bạn là "không biết" - có lẽ sẽ giống trường hợp bạn tìm thấy chiếc thuyền và bắt đầu bơi ra biển mà không biết sẽ bơi đến đâu và điều gì đang chờ mình ở bờ bên kia!



Bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ và phân biệt về hai loại công ty bạn có thể làm việc sau khi học marketing!
Đây là bài viết tổng hợp thông tin từ loạt bài tại đây, đâyđây giúp bạn phần nào hiểu rõ hơn về công việc Marketing tại Việt Nam!

1.Học Marketing để làm gì?
Trong lớp học và trong nhiều sách textbook căn bản, chúng ta được nghe đến 4P của marketing: Product, Price, Place & Promotion. Chỉ riêng mỗi “P” cũng đã là một lĩnh vực mênh mông – nên rốt cuộc là mỗi chúng ta, đặc biệt là các bạn sinh viên mới ra trường – có thể đóng góp gì và nên bắt đầu ở đâu? Để trả lời câu hỏi trên thì chúng ta cần phải trả lời một câu hỏi trước đó: “Bạn sẽ làm marketing tại loại công ty nào?”.

Khi nhắc đến marketing, thì với tư cách là một người tiêu dùng – chúng ta thường nghĩ đến những ấn phẩm quảng cáo (nhiều nhất có lẽ là TVC quảng cáo) của các nhãn hàng như Omo, Pepsi, Coca Cola, … Chúng ta xem những đoạn quảng cáo đó từ lúc còn bé tý (và thật sự trẻ em hầu hết đều rất thích xem quảng cáo), xuýt xoa rằng sao đoạn phim chỉ chiếu trong một thời gian ngắn (30s) mà lại có thể truyền tải nhiều ý nghĩa như vậy. Chúng ta lớn lên với mong muốn “mình cũng muốn làm ra 1 mẫu quảng cáo như vậy” và ta nghĩ rằng ta thích marketing.

Lớn lên một chút, nhất là khi vào đại học – ta được biết Omo, Pepsi, Coca, Kinh Đô … chỉ là những nhãn hàng (brand) của một tập đoàn – và một tập đoàn có rất nhiều nhãn hàng. Ta ồ lên thích thú khi biết rằng Omo, Viso, Surf, Dove, Pond’s, Vaseline … đều là của Unilever, và Pepsi, Sting, 7-up, Twister … cùng thuộc về Pepsi Co.

Ta đọc sách marketing, và thấy rằng ngoài những mẫu TVC, những mẫu Print-Ads thì còn có những chiến lược về thương hiệu, sản phẩm, phân phối và giá cả. Ta say mê những quyển sách như “22 quy luật bất biến của marketing” (Al Ries & Jack TRout), “Khác biệt hay là chết” (Jack TRout), “Quảng cáo thoái vị, PR lên ngôi” (Al Ries & Laura Ries). Ta thấy thế giới marketing thật rộng và thật đẹp Và ta tự nhủ rằng Unilever, Pepsi là những điểm đến lý tưởng, và ta sẽ được làm những mẫu quảng cáo tuyệt vời mà ta đã và đang xem trên TV.

2. Client và Agency, bạn sẽ làm ở đâu?
Nhưng sắp tốt nghiệp đại học, ta lại nghe về một phân ngành khác của marketing gọi là “agency” – hay còn gọi là những công ty “cung cấp dịch vụ tiếp thị và quảng cáo”, và chính những công ty này mới là người trực tiếp làm ra những đoạn TVC, những mẫu Print-Ads (quảng cáo báo) mà chúng ta từng xuýt xoa, còn các tập đoàn như Unilever, Pepsi chỉ làm những khâu “đầu-cuối”: đưa  ra yêu cầu và lựa chọn giải pháp từ agency.

Và khi thử ứng tuyển vào những công ty agency này, thì họ lại không yêu cầu nhiều về những tư tưởng/chiến lược mà ta hằng ấp ủ - thay vào đó lại hỏi về những kỹ năng rất …tỉ mỉ: tiếng Anh, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng thuyết trình, định hướng nghề nghiệp … Cảm giác như họ chẳng hề trân trọng chút kiến thức marketing nào chúng ta đã được dạy và tự học trong suốt khoảng thời gian đại học?

Vậy là sao?
Thật ra điều này rất bình thường, vì trong ngành marketing (marketing industry) có nhiều loại công ty và nhiều phân ngành nhỏ. Và mỗi loại công ty – mỗi phân ngành lại yêu cầu/đề cao những giá trị khác nhau của một nhân sự.

Hãy bắt đầu bằng khái niệm thân quen nhất: “4P”. Để thật sự làm việc có liên quan hết đến 4P – Sản phẩm – Giá Thành – Bày bán – Chiêu Thị, thì bạn cần làm việc tại những tập đoàn như Unilever, Pepsi, … Đây là những công ty sản xuất (manufacturing companies) – họ sáng tạo, sản xuất và chiêu thị để bán được sản phẩm cho người tiêu dùng (consumers). Và trong ngành marketing, họ được gọi là “client” hay “advertiser” – khách hàng, hay người chi tiền quảng cáo.

Vậy nếu những công ty như Unilever là “khách hàng” thì ai sẽ phục vụ họ?

Đó là những công ty “agency” – những công ty dịch vụ tiếp thị. Nếu các bạn có tìm hiểu sâu, chúng ta sẽ nghe về những cái tên Ogilvy & Mather (O&M), Saatchi & Saatchi, Dentsu, Leo Burnett …

Đó đều là những công ty thuộc về phân ngành “công ty quảng cáo” – “advertising agency”. Và nếu các công ty “client” chịu trách nhiệm trên 4P của một sản phẩm, thì hầu như các công ty agency đều chỉ làm việc trên “P” cuối cùng: Advertising & Promotion – Quảng cáo truyền thông.

Nói ngắn gọn, “agency” là những công ty dịch vụ cung cấp các sản phẩm sáng tạo và truyền thông.

3. Cơ hội nghề nghiệp với marketing Agency
Về phân ngành agency thì thật sự là một thế giới rất mênh mông, trong đó tạm chia thành 4 phân ngành nhỏ hơn:


1. Công ty quảng cáo - Advertising agency: là những công ty cung cấp dịch vụ tư vấn dựa trên chuyên môn cao (expertise) về thương hiệu (brand), truyền thông (communication) , sáng tạo (creativity) và thực thi (execution).Các công ty nổi tiếng trong ngành như Ogilvy & Mather (Mỹ), JW Thomson (Mỹ), Saatchi & Saatchi (Anh), Dentsu (Nhật), Cowan (Úc) …

2. Công ty truyền thông -  Media agency: là những công ty sử dụng sự thấu hiểu về người tiêu dùng và các công cụ truyền thông để truyền tải những sản phẩm sáng tạo (từ client và advertising agency – ví dụ như TVC, Print-Ads) đến với người tiêu dùng tiềm năng.

4 tập đoàn truyền thông lớn nhất tại Việt Nam:
  • GroupM (bao gồm 4 công ty bắt đầu bằng chữ M: Mindshare, Mediacom, Maxxus, MEC), 
  • Publicis (bao gồm 5 công ty Starcom, Zenith, Opti, Equinox và Performics), 
  • Dentsu Asia Network (bao gồm 3 công ty Dentsu Vn, Dentsu Alpha và Dentsu Media) 
  • Đất Việt Group – VAC (bao gồm các công ty như Đất Việt Media, TKL Media, Đông Tây Promotions …)
Bên dưới là thông tin tóm tắt  về các tập đoàn quảng cáo lớn nhất thế giới.


Bạn có thể xem chi tiết về lịch sử các công ty này, cũng như các công ty mà họ đã thâu tóm tại đây. 

3.  Công ty nghiên cứu thị trường – market research agency: khác với 2 loại agency trên, thì agency về nghiên cứu thị trường tham gia rất sâu vào cả quá trình xuyên suốt của 4P từ thử nghiệm ý tưởng sản phẩm (product test) đến đo lường hiệu quả truyền thông…Các công ty nổi tiếng trong mảng này như AC Nielsen – nay là Nielsen, Taylor Nielsen – hay còn gọi là TNS, nay là Kantar Media, FTA (agency Việt Nam), Epinion (agency Đan Mạch) …

4.  Các dịch vụ hỗ trợ: là những công ty cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho ngành như quay phim, chụp hình, lồng tiếng …

4. Làm việc tại client và agency khác nhau thế nào
Trong khi 90% các bạn sinh viên thích và học ngành marketing khi ra trường đều mặc định là mình muốn làm việc tại client, thì rất ít bạn biết hay chịu khó tìm hiểu về môi trường agency. Liệu tố chất của bạn phù hợp với client hay agency – hãy cùng xem mô tả công việc, lợi ích và áp lực của từng phân ngành nhé.

A – Các công ty khách hàng (client)
Như đã nhắc đến – làm tại các công ty khách hàng (client) có nghĩa là “làm nhiều việc cho một người”. Nếu bạn làm trong Brand team của Omo chẳng hạn, thì bạn sẽ tham gia vào tất cả các quy trình (trừ sản xuất) của sản phẩm từ giai đoạn đầu đến lúc đến tay người tiêu dùng: test sản phẩm, test concept truyền thông, lên kế hoạch communication & trade cả năm, brief cho agency, thực hiện cùng agency, đo lường  - quản lý và tối ưu hóa các chiến dịch truyền thông và bán hàng.




Marketer làm việc tại client là phải "nhiều việc cho một người"
1. Với một môi trường làm việc đa dạng (tiếp xúc với nhiều loại đối tác: nghiên cứu thị trường, quảng cáo (agency), truyền thông (media) đến cả những nhà bán lẻ (Retailer: Co-op Mart, Big C, Metro …) thì bạn sẽ học được rất nhiều kiến thức và kinh nghiệm 

2. Từ những kiến thức và kinh nghiệm đó – kết hợp với những tài liệu nội bộ công ty  - thì bạn sẽ có một sự hiểu biết sâu sắc về sản phẩm và ngành hàng của sản phẩm đó.

Ví dụ, nếu bạn làm tại brand Omo (bột giặt), thì bạn sẽ hiểu biết về rõ về tính năng của sản phẩm Omo, Omo khác biệt các sản phẩm bột giặt cùng công ty (Surf, Viso) và khác biệt với các sản phẩm đối thủ (Tide) như thế nào – hiểu những xu hướng và phân khúc của thị trường giặt tẩy và các đối thủ khác phân ngành. Ví dụ khi P&G ra mắt nước giặt Ariel thì đó cũng được xem là một đối thủ cạnh tranh không trực tiếp với bột giặt Omo (cùng là giải pháp giặt tẩy).

3. Trên những cơ sở hiểu biết về sản phẩm, ứng dụng vào thị trường, hiểu điểm mạnh điểm yếu cũng như các xu hướng của người tiêu dùng, bạn sẽ dần hình thành một cảm quan (sense) về sản phẩm của mình và thị trường.

Đó là lý do tại sao những người làm Brand Manager cần khoảng 5-8 năm kinh nghiệm, để hình thành một cảm quan nhạy bén và đúng đắn, để đưa ra lựa chọn cuối cùng trên những đề xuất của các công ty dịch vụ (agency).

Đi kèm với những lợi ích đó cũng là áp lực. Khi bạn làm ở client, làm ở brand thì bạn phải là người chịu mục tiêu: mục tiêu về doanh số (sales), sức mạnh thương hiệu (brand health) hay thị phần (market share). Bạn là cha mẹ ruột của thương hiệu đó, của đứa con tinh thần – và bạn phải chăm sóc nó mỗi ngày. Khi đó bạn sẽ không bao giờ có thể ngừng suy nghĩ về doanh số, về số lượng (unit) bán ra mỗi giờ, mỗi ngày. Vì vậy, công việc về bên phía khách hàng (client) không mang nhiều tính sáng tạo như các bạn trẻ hay hình dung, mà phần nhiều về quản lý và giao tiếp kết nối (giữa nhiều đơn vị). Làm tại brand có nghĩa là bạn tự hào với trách nhiệm của mình, bạn yêu brand và business của bạn – và cố gắng cải thiện qua từng tháng ngày.

Một ghi chú nhỏ cuối cùng: trong khi hầu hết mọi người hình dung là áp lực khi làm tại client, nhất là làm tại brand đến từ môi trường bên ngoài (đối thủ cạnh tranh, chính sách …) thì có nhiều người chia sẻ áp lực lớn nhất lại đến từ chính môi trường bên trong client: cụ thể là áp lực đến từ bộ phận Bán hàng (Sales).

Bạn hãy hình dung thế này:
  • Anh A là Sales Manager – ngành hàng Bột Giặt của Unilever, anh A chịu mục tiêu doanh số cho toàn ngành bột giặt (vd 500 triệu Euro năm 2012), và nắm trong tay một nguồn lực có hạn (500,000 điểm bán và 1 triệu USD ngân sách trade marketing).
  • Unilever về bột giặt có 3 nhãn hàng:
    • Omo (Brand Manager là anh B)
    • Viso (Brand Manager là anh C)
    • Surf (Brand Manager là anh D).
  • Và anh A sẽ là người quyết định tập trung vào sản phẩm nào nhiều nhất để đạt được doanh số sales.

    Có nghĩa là nếu bạn là một trong 3 brand manager trên, thì việc đầu tiên và cần thiết nhất của bạn là thuyết phục được bên Sales tin tưởng vào sự thành công của chiến dịch bạn đưa ra và dành nguồn lực cho bạn (số bảng biển tại cửa hàng, ngân sách hỗ trợ bán lẻ …). Thuật ngữ trong ngành thường gọi là “win được support của sales”. Vì vậy, đối với các Brand Manager thì buổi thuyết trình chiến dịch hàng quý cho sales (gọi là Sales Pitch) là cực kỳ quan trọng, vì nếu Sales không support bạn thì không cách nào bạn đạt được mục tiêu về doanh số. Và tất nhiên, bản thân bộ phận Sales cũng có những “kiêu hãnh và định kiến” của họ - hãy hình dung: chỉ cần Omo (vốn chiếm 70% thị trường) tăng 5% doanh thu thì đã đủ target, trong khi nếu Viso thì sẽ phải tăng 50% doanh thu (vốn là khó hơn rất nhiều).

    Nên phần thiệt thòi và cần nỗ lực nhiều hơn là những bạn làm tại những brand nhỏ. Ví dụ tại Unilever thì ngành hàng giặt tẩy (laundry) và chăm sóc tóc (haircare) là được ưu ái nhất, mà cụ thể là 2 “con bò vắt sữa” (cash cow) là Omo và Clear. Còn ngành hàng Lăn khử mùi (deodorant) bao gồm Dove, Pond’s, Rexona, AXE …thì với đóng góp chưa đến 5% doanh thu, sẽ cần phải cố gắng rất nhiều.

    Làm tại Unilever cũng rất tuyệt, nhưng cũng nên lưu ý là làm tại brand nào của Unilever nữa 
B – Agency
Đối với công ty agency, thì sự chuyên chính và tập trung (focus) là điều được trân trọng: khi bạn làm tại agency tức là bạn làm “một việc cho nhiều người”. Việc đó có thể là tư vấn thương hiệu, sáng tạo quảng cáo, tổ chức sự kiện hay tiếp thị kỹ thuật số … việc gì cũng được miễn là việc đó có giá trị với khách hàng và tiêu chuẩn các dịch vụ của bạn thật sự cao.

Với agency thì câu “một nghề cho chín còn hơn chín nghề” áp dụng rất chính xác.
Người làm ở agency sẽ rất chuyên chính vào nghiệp vụ (expertise) của mình – và khách hàng cũng trân trọng sự chuyên chính đó. Vì chỉ riêng trong một chuyên môn thì bạn đã có rất nhiều thứ để làm: làm tốt nhất những điều mình đang có, luôn phải cập nhật những thông tin và xu hướng mới nhất của thị trường và người tiêu dùng, trau dồi kiến thức và ý tưởng...

Có những tập đoàn/công ty quảng cáo rất nổi tiếng – và họ chỉ làm một hay một số việc: ví dụ Leo Burnett chỉ tập trung làm về thương hiệu & quảng cáo sáng tạo (brand, branding & advertising) – Cowan chỉ tập trung vào thiết kế bao bì (packaging design) … 



Hầu như khái niệm “full-services agency” (công ty cung cấp đầy đủ dịch vụ) là rất khó tồn tại – trừ những nhóm công ty “cùng họ” như:
  • Ogilvy & Mather: có O&M là về advertising, Ogilvy PR (đã sáp nhập với T&A thành T&A Ogilvy) là về PR & Event, Ogilvy Action về Activation, Ogilvy One (đã mua lại Who Digital)
  • JWT, Bates 141, Y&R, Wunderman, TNS, Kantar Media, GroupM (Mindshare, Maxxus, MEC, Mediacom) ...đều là những công ty thuộc tập đoàn quảng cáo WPP (tập đoàn này có hơn 400 công ty quảng cáo và chiếm 65% thị phần quảng cáo trên toàn thế giới). Chỉ có "tập đoàn full services" chứ không thể có "agency full services"
Điểm được nhiều người yêu thích nhất khi làm tại agency là nét tươi mới trong công việc mỗi ngày. Việc được tiếp xúc với nhiều sản phẩm, ngành hàng, vấn đề & mục tiêu … luôn giữ cho đầu óc thật “mở”. Một câu khá đúng với ngành agency:
“Đầu óc cũng giống như chiếc dù – nó hoạt động tốt nhất khi nó rộng mở”
“Minds are just like parachutes – it works best when it opens”

Thật sự công việc trong ngành agency tươi mới đến mức đôi khi “không thể đoán trước được” (unpredictable). Bạn bước vào công ty và sếp nói: “em ơi, vào họp – có brief mới”, và bạn có thể mỉm cười tự hỏi trong đầu “lần này sẽ là cái quái gì nhỉ?” – có thể là một hãng bảo hiểm trang nghiêm, một nhãn mỹ phẩm kiêu sa, một nhãn sữa thân thiện hay …băng vệ sinh/bao cao su cũng chẳng biết được.



Trong ngành agency, sự bận rộn là điều không thể tránh nhưng cần hạn chế. Nghĩa là sao nhỉ?
“Không thể tránh” là vì sẽ có những lúc tất cả khách hàng của bạn cùng làm truyền thông (ví dụ vào dịp Tết chẳng hạn) – thế là bạn sẽ vắt chân lên cổ để chạy.

 “Cần hạn chế” có nghĩa là sau những lúc như vậy, bạn cần phải tỉnh táo để “về thành dưỡng sức” cũng như trau dồi thêm vốn sống & kiến thức. Nói ngắn gọn, nếu người nào làm trong agency “có làm mà không chơi” thì sẽ rất sớm bị kiệt quệ, cả về thể lực – tinh thần lẫn vốn sống. Như một anh bạn làm Creative Director từng chia sẻ:
“Làm sáng tạo dễ lắm. Sống sáng tạo mới khó”
– làm quảng cáo là sống với nghề, là mang cái “tôi” của mình ra để thẩm thấu cái “ta” của người tiêu dùng và khách hàng.

Một điểm khác khiến công việc tại agency càng hấp dẫn hơn là sự “thư thái đầu óc” (free of mind). Vì người làm tại agency là người đang bán những sản phẩm truyền thông (communication product) chứ không phải sản phẩm hữu hình, và việc bán hàng này diễn ra khá đơn giản – khi khách hàng (client) là người trực tiếp ra quyết định. Và đo lường chất lượng của sản phẩm đó là những con số về mức độ nhận biết, độ yêu thích, … những chỉ số có phần “cảm tính” chứ không phải lời/lỗ - doanh số cụ thể của sản phẩm hữu hình. Người làm tại agency đã, đang và sẽ “đưa ra những lời đề nghị” (make recommendation) và không được/phải chịu trách nhiệm về quyết định cuối cùng (vì đó là quyết định của công ty khách hàng).

Một chiến dịch truyền thông không tốt -> doanh số không tăng (hay tệ hơn là giảm) – khách hàng không hài lòng và agency đó có thể mất khách hàng đó. Một chiến dịch truyền thông tuyệt vời, nhận thức cao chót vót, khác biệt của sản phẩm nêu rạch ròi và mạch lạc, doanh số bán hàng tăng ầm ầm thì agency nhận lại là những lời khen của khách hàng, và (không chắc chắn) được làm những dự án tiếp theo. Chính vì sự “giữa chừng” đó (xin đừng gọi là “nửa vời” – vì agency trách nhiệm chính là tư vấn, cũng chỉ là “người đưa đò”) nên những vinh dự hay phần thưởng lớn nhất sẽ không dành cho agency.

Và thật sự với một chiến dịch truyền thông trị giá hàng tỷ đồng (40,000 USD – khoảng hơn 800 triệu, là mức giá làm TVC của các tập đoàn quảng cáo hàng đầu tại Việt Nam) thì doanh nghiệp khách hàng có thể nhận lại những lợi ích vượt trội hơn rất nhiều (số lượng bán hàng và lợi nhuận tăng lên nhiều) còn agency thì chỉ là chi phí dịch vụ và những showcase trong hồ sơ năng lực (credentials).

Nên, nếu nhìn lại thì giá trị lớn nhất của agency chính là thương hiệu của agency đó. Những tập đoàn quảng cáo hàng đầu đều có những giá trị, tiêu chuẩn và triết lý của mình.

Thậm chí, những người sáng lập huyền thoại như David Ogilvy hay Leo Burnett còn để lại những tài liệu về việc “when to take my name off the door” – “khi nào thì nên gỡ bỏ tên tôi khỏi công ty quảng cáo này”: đó là khi công ty chỉ chạy theo lợi nhuận, mà xa rời những giá trị hay tiêu chuẩn của chính mình. Chính vì vậy, David Ogilvy – người được mệnh danh là “ông tổ của ngành quảng cáo” đã để lại những lời răn rất đáng nghiền ngẫm:



“Người tiêu dùng không phải lũ mọi rợ. Họ chính là vợ bạn”
“Đừng bao giờ làm quảng cáo cho một sản phẩm mà bạn không muốn gia đình bạn sử dụng”
“Sử dụng sản phẩm của khách hàng không phải là sự xu nịnh, mà là phép lịch sự tối thiểu”
Và thương hiệu của các agency – tất cả đều được xây bởi con người.

Vì vậy, những người đứng đầu mỗi agency – Managing Director, Account Director, Creative Director, Director of Strategic Planning – phải hiểu rất rõ những giá trị và tiêu chuẩn của agency mình đang đại diện. Làm agency, làm marketing communication là một con đường học hỏi và tìm tòi vô tận – nơi đó giới hạn của bản thân mình là do chính mình đặt ra.

Người làm marketing nói chung, hay agency nói riêng, phải luôn “đói khát và vụng dại” (như lời của thiên tài Steve Jobs) – “đói khát” để luôn học, luôn hỏi, luôn làm mới chính mình – “vụng dại” để luôn tò mò, luôn mở rộng đầu óc và tấm lòng.

Hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn về công việc marketing và tin vào lựa chọn của chính bạn!
Chúc bạn một sự nghiệp thành công ở ngay phía trước!

16 nhận xét:

  1. Em chào anh Hiển :)

    Em là Tiến phụ trách GIK.VN - trang tin tức về Social media, Marketing Online và Start up trên nền tảng Mobile/ Internet. Em đã đọc nhiều bài viết trên blog của anh và rất muốn được mời anh trở thành một partner về nội dung của GIK.

    Trong trường hợp anh cảm thấy hứng thú phiền anh mail lại cho em skype của anh, em xin được giải thích kỹ hơn về cách thức hợp tác. Phương thức này sẽ không tốn của anh nhiều thời gian nhưng chắc chắn tăng lượng traffic đến các bài viết của anh lên rất nhiều.

    Mong anh bớt chút thời gian ghé qua GIK.VN và cân nhắc về lời đề nghị của em, hiện trang đã thu hút lượng traffic và nội dung hàng ngày khá tốt. Chúc anh một tuần mới làm việc hiệu quả :)

    PS: Do em phải đi làm vào ban ngày, nên có gì mình trao đổi vào buổi tối anh nhé.
    Skype của em là Minhtienpham, còn mail là: tien8212@gmail.com ạ

    Trả lờiXóa
  2. Đây không phải là bài viết của bạn, vậy sao không thấy ghi rõ nguồn ???????

    Trả lờiXóa
  3. Chính xác là bài viết mình tổng hợp. Các bài tham khảo bạn có thể xem đầu bài viết.

    Trả lờiXóa
  4. cảm ơn bạn về bài tổng hợp và chia sẻ. Bài viết rất hữu ích và có giá trị.

    Trả lờiXóa
  5. Bùi Hải Đăng31/10/12 1:39 CH

    Em rất cảm ơn anh Hiển đã chia sẻ bài viết bổ ích này - thực sự nó đã giúp em định hướng rất nhiều trong công việc.

    Trả lờiXóa
  6. Nặc danh2/11/12 4:34 CH

    anh hiển ạ,em la 1 sinh vien chuyen ve ngoại ngữ nhưng lại có hứng thú với marketing mặc dù kiến thức về marketing em chưa trang bi được nhiều.em đang sử thưc mình qua 1 đề tài la :chiến lược quảng cáo pepsi.anh co thể cho em 1 vài sự hướng dẫn và cách kiếm tìm tai liệu vì thực sự thông tin em co về pepsi khá khiêm tốn.em xin chân thanh cám ơn

    Trả lờiXóa
  7. Vì sao bạn lại chọn đề tài này?

    Một số tài liệu có thể giúp ích cho đề tài của bạn
    http://www.nielsen.com/intl/vn/news-insights/reports.html
    http://www.ftaresearch.com/library.php?cid=29

    Mình chắc rằng bạn có lý do để chọn, các số liệu bắt buộc bạn phải dùng kỹ năng research: Google, đọc các nghiên cứu thị trường có rất nhiều trên internet mà 2 liên kết mình liệt kê là ví dụ.

    Mình chỉ góp ý về cách tiếp cận nên chú trọng phương pháp, vì cách tiếp cận đúng sẽ quyết định từ 40-60% thắng lợi rồi.

    Thông thường các chiến lược marketing khi trình bày nên theo cách thứ tự sau đây:
    1. Phân tích tình hình hiện tại: sản phẩm, đối thủ, mạnh yếu (swot)...
    2. Chọn Objectives
    3. Strategy: Xác định chiến lược để đạt được objectives
    4. Planning: lên kế hoạch chi tiết cho phần chiến lược
    5. Thực thi, tối ưu hóa và đo lường trong thời gian thực hiện.

    Trong một số trường hợp thì Objectives sẽ được đặt ở trên cùng để tập trung vào việc "giải quyết điều gì".

    Chúc bạn thành công với đề tài của mình nhé!

    Trả lờiXóa
  8. xin trả lòi giùm em câu hỏi?
    1) anh/ chị hãy phân tích chiêc lươc marketing cua viso truoc va sau khi unilever mua vê??em xin cam on

    Trả lờiXóa
  9. Rất cám ơn bạn về bài viết này nhé.

    Trả lờiXóa
  10. Cám ơn bạn về bài tổng hợp, bài này rỏ ràng lắm!

    Trả lờiXóa
  11. Anh Hiển cho em hỏi, ở trên anh có nhắc đến print ads. Vậy thật sự print ads agency là làm gì anh có thể nói rõ thêm tí nữa không? Em là nhân viên mới bên ngành in ấn quảng cáo, nhưng chưa biết: từ client đến một sản phẩm in ấn hoàn thiện (như poster, or quà tặng hình thú 3D của DUTCH LADY) thông qua những đối tác nào kìa!
    Rất mong học hỏi
    Thành
    mail: thanhtran214@yahoo.com.vn

    Trả lờiXóa
  12. Cảm ơn bạn rất nhiều về bài viết rất có đầu tư và bổ ích.

    Trả lờiXóa
  13. bài viết khá ngắn gọn và xũ tích, cung cấp cái nhìn tổng quan vễ sự nghiệp thực tế của PR/ Marketing hiện nay :) thank lot of :)

    Trả lờiXóa
  14. Tuyệt vời quá!!! Cám ơn anh nhiều nhé ^^!! Chúc anh luôn có một cuộc sống "sáng tạo" :)

    Trả lờiXóa
  15. thanks a đọc qua bài viết giúp e hiểu thêm và định hướng rõ về tương lai của mình rồi

    Trả lờiXóa
  16. Em là 1 sinh viên đang theo học chuyên ngành Marketing tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, rất cám ơn anh Hiển đã tổng hợp và chia sẻ, bài viết thật sự được viết rất hay, rất tỉ mỉ và thực tế :D

    Trả lờiXóa

Khi nhận xét, vui lòng dùng Tên riêng hoặc Nickname

Được tạo bởi Blogger.