Header Ads

Thế Giới Di Động tái định vị Thương hiệu - Cơ hội và Thách thức

Đằng sau sự kiện tái định vị thương hiệu Thế Giới Di Động trở thành Thế Giới Điện Tử, thương hiệu "kết hợp kinh doanh sản phẩm di động với hàng điện tử gia dụng", đâu là sức mạnh, cơ hội và thách thức họ đang gặp phải? Một thương hiệu đạt 6.000 tỉ doanh thu có tái định vị thương hiệu thành công?



Câu chuyện thương hiệu Thế Giới Di Động
Năm 2004, anh Nguyễn Đức Tài Tổng giám đốc kiêm đồng sáng lập của Thế Giới Di Động (TGDĐ) hiện nay,  muốn mua tặng vợ một chiếc di động mới vào khoảng 5 triệu động, một món quà nhân dịp tết âm lịch.

"Lúc đó, quả thực tôi rất bối rối. Tôi đã tới hai cửa hàng điện thoại, nhưng không đâu có thể chỉ cho tôi, loại điện thoại nào tôi có thể mua được với số tiền này. Họ đưa cho tôi xem một, hai chiếc điện thoại. Nhưng chừng đó không đủ. Nếu họ có thể giới thiệu cho tôi 10 mẫu di động cũng trong tầm giá đó, thì tôi đã có thể quyết định". - Anh chia sẻ với VnEconomy.

Người đàn ông 35 tuổi này ngay lập tức nhìn ra cơ hội. "Tôi tự nhủ, có điều gì đó bất thường ở đây. Tôi có tiền. Tôi sẵn sàng chi trả. Nhưng tôi không thể tìm được thứ tôi muốn.Có điều gì đó không đúng ở đây, và nếu tôi có thể khắc phục được điều đó, khách hàng sẽ ủng hộ tôi".

Lược đồ tăng trưởng lợi nhuận của Thế Giới Di Động 2009-2011.
Lãi ròng 5 triệu USD năm ngoái được kỳ vọng sẽ tăng gấp ba lên 14 triệu USD trong năm nay.

Sự rót vốn và hỗ trợ về mặt quản trị doanh nghiệp của Mekong Capital năm 2007 đã giúp Công ty nhanh chóng gia tăng số lượng cửa hàng trong các năm sau đó (lên đến 15, 30, 40 cửa hàng qua các năm 2007, 2008, 2009) với tốc độ tăng trưởng tương ứng về doanh thu và lợi nhuận. Sau 6 năm, Thế Giới Di Động đã mở rộng lên 70 cửa hàng với hơn 4.000 nhân viên.

Doanh thu năm 2010 tăng gấp đôi năm trước lên 150 triệu USD và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng gấp đôi trong năm nay.

Tái định vị thương hiệu, bài toán phát triển

Khi một công ty bắt đầu thành công một cách vượt bậc, họ luôn có kế hoạch gieo gió cho các cơn bão tương lai. Bài toán phát triển, doanh thu năm sau cao hơn năm trước luôn thôi thúc nhà lãnh đạo tiến về phía trước. Lúc này, sức hấp dẫn mở rộng ngành hàng, đặc biệt trong ngành bán lẻ có một sức mạnh khó cưỡng lại.

Cơ hội từ thị trường giá trị 3 tỉ đô la Mỹ
Ngành điện máy là thị trường đầy tiềm năng với giá trị hiện khoảng 3 tỉ đô la Mỹ, gấp ba lần thị trường điện thoại, và vẫn còn nhiều khoảng trống để doanh nghiệp tham gia. Nếu như ở các thành phố lớn nhịp độ bán lẻ đã khá cao thì các doanh nghiệp vẫn đang tìm cơ hội mở rộng kênh bán hàng về các tỉnh, thành.

Theo ông Đinh Anh Huân, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Thế Giới Đi Động, với quy mô gấp ba lần thị trường điện thoại nên hiện nay thị trường này đã có rất nhiều doanh nghiệp tham gia, cạnh tranh khốc liệt. Tuy nhiên, phân khúc điện máy còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp vì đối tượng tiêu dùng mang tính hộ gia đình có nhu cầu rất lớn từ ti-vi, máy lạnh, tủ lạnh cho đến nồi cơm điện, bàn ủi..., đều là những sản phẩm thiết yếu.

Ông Huân cho biết, vì tham gia vào thị trường điện máy muộn hơn nên Thế Giới Di Động sẽ có hướng đi khác biệt, tận dụng hệ thống 76 siêu thị điện thoại trên cả nước hiện nay song song với kênh bán hàng trực tuyến tại www.thegioidientu.com (TGĐT)

 Liệu thương hiệu mới "kết hợp kinh doanh sản phẩm di động với hàng điện tử gia dụng " có mang lại thành công hay sẽ là một thất bại nặng nề.

Thế mạnh
  • Thị trường Việt Nam còn sơ khai 
  • Vốn và hỗ trợ về mặt quản trị doanh nghiệp của Mekong Capital 
  • Mở rộng thành công ngành hàng laptop, thiết bị camera, máy nghe nhạc MP3, MP4
  • Sử dụng kênh bán hàng trực tuyến, mang lại sự tiện lợi cho người dùng, tiếp cận khách hàng tiềm năng ngày một tăng tại Việt Nam.
Thách thức
  • Thách thức từ những đối thủ cạnh tranh trong ngành điện tử gia dụng: Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Chợ Lớn..
  • Khả năng đàm phán với nhà cung cấp: Thời gian đầu lượng mua của Thế Giới Điện Tử thấp, khó đạt được thỏa thuận giá tốt từ nhà sản xuất. Nếu TGĐT chịu lỗ trong thời gian đầu, nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh về giá thấp cũng sẽ gặp trở ngại. Các doanh nghiệp khác có thể "tố" TGĐM phá giá thị trường nhằm buộc nhà cung cấp có động thái gây áp lực TGĐT điều chỉnh giá, loại bỏ khả năng cạnh tranh về giá. TGĐT cũng có thể rơi vào tình trạng bị đối thủ trả đũa quyết liệt, chấp nhận hy sinh lợi nhuận để diệt TGĐT. Trong bối cảnh không mấy dễ chịu đó, liệu ngành hàng di động có đủ lợi nhuận ròng để TGĐT thoải mái đầu tư trong tình trạng kinh doanh lỗ lã triền miên trong một thời gian dài.
  • Thế Giới Điện Tử không phải là thương hiệu "top of mind" của người dùng khi chọn mua mặt hàng điện tử gia dụng. TGDĐ làm mưa làm gió ở mảng di động nhưng chỉ là tay chơi mới trong thị trường điện máy, nơi những công ty khác nhiều năm xây dựng thương hiệu, uy tín và hoàn thiện mô hình kinh doanh của mình.
  • Các đối thủ tiềm ẩn: tham gia ngành hàng và trở thành đối thủ trực tiếp như hệ thống cửa hàng Viễn Thông A với quy mô, thương hiệu, khả năng tài chính đã không ngừng thể hiện tham vọng của mình.
Điều gì khiến Thế Giới Di Động tin rằng họ thành công
  1. Sản phẩm, dịch vụ tốt sẽ thành công
    Khi nhận xét "thị trường Việt Nam còn sơ khai", có thể Nguyễn Đức Tài đã cho rằng mô hình tốt, dịch vụ tốt trong môi trường còn sơ khai và chưa có nhiều đối thủ mạnh, làm việc chuyên nghiệp, với những mô hình ERP, website thương mại điện tử và call center hiện đại và phức tạp là mấu chốt của thành công.

    Trong thực tế, một sản phẩm tốt cũng dễ dàng thất bại như một sản phẩm xấu. Một ví dụ kinh điển là sản phẩm Betamax của Sony vào thập kỷ 70, có chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt hơn băng ghi hình VHS nhưng vẫn chịu một thất bại thảm hại. Mặc dù Sony đã tiên phong trong phát triển sản phẩm, và trong thực tế kỹ thuật của Sony quả thật vượt trội nhưng khi VHS dần phổ biến, người xem coi đó là một sản phẩm dần lạc hậu.

    Ngoài ra, điều gì sẽ ngăn cản một đối thủ sừng sỏ của Thế Giới Di Động trong  mảng điện thoại di động là Viễn Thông A tham gia thị trường?  TGĐM sẽ làm sao để cạnh tranh và vượt qua rào cản từ các đối thủ Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Chợ Lớn, Phan Khang ?

    Những điều này có thể Thế Giới Điện Tử đã tính đến, nhưng liệu họ có thể vượt qua không vẫn phải chờ thời gian chứng minh. Chỉ mở một cửa hàng để "ném đá dò đường" và bắt đầu từ môi trường trực tuyến là một cách thông minh để giảm thiểu rủi ro.

    Thời điểm hiện tại, có thể thấy kênh digital marketing được TGĐT lựa chọn như một phương tiện hữu hiệu: ít tốt kém, tận dụng được sức mạnh đội ngũ, kinh nghiệm từ Thế Giới Di Động.

    Bạn có thể mở bất kỳ một sản phẩm nào của Thế Giới Di Động, thay thegioididong.com bằng thegioidientu.com, nội dung sẽ hiện ra hoàn toàn giống nhau, chỉ trừ logo. Hai website này dùng chung một cơ sở dữ liệu, một phần mềm giống nhau. Khi Thế Giới Điện Tử thành công, việc chuyển hẳn sang website mới là điều dễ thấy. Về khía cạnh SEO, họ đã phạm một sai lầm nghiêm trọng khi không xử lý phần "duplicate content".

  2. Thế Giới Di Động là một thương hiệu lớn, sẽ tạo dựng thành công thương hiệu mới
    Chuyện thần thoại này sẽ không đứng vững nếu bạn biết câu chuyện của New Coke, một trong những "sai lầm marketing lớn nhất mọi thời đại", bất chấp 200.000 cuộc thử nghiệm mùi vị và số tiền khổng lồ (khoảng 10 triệu đô la)  Coca-Cola chi cho việc tung ra New Coke .

    Một câu chuyện gần đây hơn là Google, người khổng lồ về tìm kiếm. Sau khi thử nghiệm Google Wave thất bại chưa kịp quên lãng, sản phẩm Google Buzz lại sát muối vào vết thương khi được bầu chọn là thất bại lớn nhất trong năm qua của Google.
Với nhiều cơ hội và thách thức phía trước, thành công hay thất bại của Thế Giới Điện Tử vẫn còn là câu hỏi lớn. Chúng ta cùng xem những thuyền trưởng tài ba sẽ lèo lái con thuyền của mình đến đâu! Bao lâu thì TGĐT đạt được mốc tăng trưởng và doanh thu như TGDĐ, bao lâu nữa thì TGDĐ sẽ trở thành TGĐT?

Riêng bạn, bạn tin họ thành công? Bạn nghĩ Thế Giới Di Động nên làm gì vào thời gian tới?

Tin liên quan
  • http://tintuc.xalo.vn/00-646545516/Canh_tranh_gay_gat_tren_thi_truong_3_ti_do_la.html
  • http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?page=3&id=8533
  • http://doanhnhansaigon.vn/online/doanh-nhan/chuyen-lam-an/2011/05/1054266/bi-mat-thanh-cong-cua-ong-chu-the-gioi-di-dong/

5 nhận xét:

  1. TGDĐ bây giờ không còn mạnh như cách đây 2 năm nữa. Mảng điện tử, điện máy ở Hà Nội thì Trần Anh, Pico, Media ... nắm giữ rồi, Ở Sài Gòn có Nguyễn Kim, Chợ Lớn, ...
    Lĩnh vực Điện thoại ở Hà Nội thì Nhật Cường, Vienthong A, FPT Shop, Anh Vũ, ... nó nắm hết thị phần rồi. Thegioididong không còn được như ngày xưa nữa đâu :|

    Trả lờiXóa
  2. @kimitraining: bạn thân mến à, đó là tình hình bạn nhìn thấy ở HN, bạn có để ý mạng lưới phân bổ của tgdd ko??? Phía HN chỉ lác đác vài chi nhánh trong khi ôm trọn từ Miền trung trở vào và mạnh ở phía miền Nam từ SG chạy xuống miền Tây. Trên thị trường cũng như ăn cơm vậy, món nào thấy ngon, dễ ăn thì tạm thời cứ ăn đi, còn món nào nguy cơ dị ứng thì từ từ tìm hiểu và thích nghi chứ đâu có phải cái gì cũng đớp? Thêm nữa so về điện máy thì khác với về điện thoại. Nếu so về điện thoại đương nhiên thegioididong rất mạnh, nhưng nếu về điện máy là mảng mới tuy cũng trên cơ sở dựa vào thương hiệu vốn có của thegioididong nhưng cũng là đi sau. Tuy nhiên cách quản lý của nó cho thấy một tiềm năng rất lớn và mình tin tưởng nó sẽ làm nên chuyện.

    Trả lờiXóa
  3. mình mua laptop ở đây ngày 28/5 nhưng khi họ đưa sản phẩm ra trên sản phẩm có ghi ngày 25/5 ở tất cả linh kiện.
    Liệu có phải mình đã mua phải hàng secondhand??????
    mua được 6 tháng, 2 tháng nay bảo hành phần cứng 5 lần, máy vẫn lỗi, đang đợi bảo hành lần 5

    Trả lờiXóa
  4. hiện TGDD là nhá bán lẻ số 1 thị trường .

    Trả lờiXóa
  5. Mình có ý kiến cá nhân thế này:
    1. TDDD tích hợp thành TGDT sẽ vô tình đánh mất giá trị riêng về mảng cung cấp điện thoại. Chỉ 5 năm nữa khách hàng sẽ đánh đồng TGĐT với Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Chợ Lớn...
    2. TGDD nên tập trung hơn nữa vào mảng cung cấp điện thoại, phủ sóng mạnh hơn nữa bằng cách mở thật nhiều các cửa hàng lớn như hiện nay hoặc tạo thêm các store nhỏ trên các con phố để phục vụ khách hàng trải nghiệm. nếu khách đồng ý mua có thể chuyển từ cửa hàng lớn tới. Nếu phủ sóng tốt và nâng cao chất lượng phục vụ, 90 triệu dân việt nam sẽ mua điện thoại của TGDD chứ không phải chỉ có vài triệu người vào TGĐT mua đồ điện tử.
    Chiến

    Trả lờiXóa

Khi nhận xét, vui lòng dùng Tên riêng hoặc Nickname

Được tạo bởi Blogger.