Header Ads

Du lịch Việt ứng dụng công nghệ để cạnh tranh

Để đạt mục tiêu đón 77 triệu khách nội địa và quốc tế năm 2017, ngành du lịch Việt Nam phải hoà mình vào xu hướng chuyển dịch sang số hoá (Digital Transformation) gia tăng cạnh tranh. Bài viết đã đăng trên báo Tuổi Trẻ 12/4/2017.



Năm 2016, du lịch Việt Nam lần đầu tiên đón được hơn 10 triệu khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015; phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 400.000 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2015. Ngành Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách quốc tế, 66 triệu lượt khách nội địa năm 2017.

Hiện nay, các công ty trong ngành du lịch tại Việt Nam như bán vé máy bay, khách sạn và đại lý du lịch được xem như các doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi với Internet. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng công nghệ chỉ ở mức cơ bản, chưa khai thác và tối ưu những lợi ích từ công nghệ để gia tăng cạnh tranh, thu hút khách khi họ thậm chí chưa thực sự có ý định du lịch.

Cuộc chiến trên di động trong ngành du lịch

Với du khách hiện đại ngày nay, di động là thiết bị trung tâm trong mọi kết nối của họ với thế giới số (digital). Trong báo cáo 2016 của Google cho biết 72% dân số Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh (smartphone). Trung bình, mỗi người sẽ dành 2 giờ mỗi ngày để sử dụng Internet qua di động.

Với số lượng người dùng di động lớn, đây là cơ hội để duy trì và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các công ty ngành du lịch.

Trong báo cáo này cũng cho biết 3 nhóm ứng dụng hàng đầu khi du lịch, người Việt Nam dùng các ứng dụng tìm chỗ ở là phổ biến nhất với 53%, theo sau là tìm hướng dẫn du lịch 44%.

Người du lịch so sánh giá sẽ kết hợp cả sử dụng web và ứng dụng (mobile app)
Báo cáo của Google


Báo cáo của Google cho biết chỉ có 24% người dùng lịch chỉ dùng web để nghiên cứu giá, trong khi kết hợp giữa ứng dụng và web lên đến 62%. Để tiếp cận khách hàng tiềm năng ngay ở bước tìm kiếm, lựa chọn chỗ ở trước chuyến đi, đầu tư vào ứng dụng sẽ là một lợi thế rất lớn của doanh nghiệp.

Số lượng doanh nghiệp Việt Nam trong ngành khách sạn như Vivu, Chudu24, MyTour, Vntrip đã mang lại lựa chọn phong phú và tiện lợi cho khách hàng. Trong số đó, chỉ có Vntrip, MyTour là có ứng dụng trên di động.

Khi bỏ ngỏ việc xây dựng ứng dụng cho di động, các doanh nghiệp trong ngành đã bỏ qua cơ hội cạnh tranh với các đối thủ của mình, không chỉ là các doanh nghiệp trong nước mà còn là các thương hiệu toàn cầu như Agoda, Booking trong cuộc chiến không biên giới trên Internet.

Chiến lược ưu tiên di động - Mobile First

Để phục 120 triệu khách hàng, hãng hàng không giá rẻ Ryanair của Ireland đã đầu tư mạnh mẽ vào digital và các tính năng trong ứng dụng di động với chiến lược “mobi-first".

Ảnh: Handshake

Trong ngày Giáng sinh, Ryanair có đến 90% khách hàng sử dụng di động trên nền tảng của họ.

Ông Kenny Jacobs, CMO của Ryanair cho biết: “Qua Giáng Sinh, chúng tôi có hơn 17 triệu lượt tải app từ Châu Âu, trở thành ứng dụng số 1 tại Châu Âu trong ngành hàng không.”

Hãy lên thuyền. Hãy chắc chắn bạn xây dựng được một phương pháp uyển chuyển (agile way) và những gì bạn tạo ra hôm nay có thể được xây dựng sau này
Ông Kenny Jocobs kêu gọi các nhà tiếp thị di chuyển nhanh hơn vào không gian số


“Có quá nhiều ngành công nghiệp nói rằng: chúng tôi muốn tốt nhất về giá, lựa chọn, digital, chất lượng và dịch vụ. Tôi chỉ có thể chúc họ may mắn với điều mà họ theo đuổi. Chúng tôi chấp nhận kỹ thuật số nhanh hơn bất kỳ ai khác, nhưng chúng tôi vẫn giữ giá".

Ở Việt Nam, tất cả các hãng hàng không như VietnamAirlies, Jetstart, VietJetAir đều triển khai bán vé trên Internet. Chỉ vài thao tác, vé máy bay đã sẵn sàng cho chuyến đi. Các ứng dụng trên điện thoại thông minh đã được Jetstart, VietJetAir triển khai. Vietnam Airlines có ứng dụng riêng cho hội viên Bông Sen Vàng thay vì ứng dụng đặt vé như các hãng khác.

Tối ưu trải nghiệm người dùng


Một bài học từ việc tối ưu trải nghiệm người dùng của Hãng hàng không Virgin America rất thích hợp để tham khảo. Bài được FastCompany phỏng vấn các chuyên gia và trưởng dự án từ Virgin America.

Ứng dụng di động của Virgin America đổi màu theo các địa điểm, tạo sự hứng khởi khi chọn địa điểm du lịch - Ảnh: FastCompany

Luanne Calvert, Giám đốc Marketing (CMO) của Hãng hàng không Virgin America cho biết “Sự dịch chuyển sang di động sẽ tiếp tục gia tăng, ước tính đến cuối 2016 sẽ có hơn 50% vé du lịch sẽ diễn ra trên di động. Công ty trong ngành nên tìm kiếm các hướng mới để duy trì khách hàng và gia tăng mức độ hài lòng của họ để tạo lợi thế cạnh tranh."

Quá trình thiết kế và phát triển ứng dụng mất một năm rưỡi, một phần vì Virgin America muốn sản phẩm xuất hiện trên cả hai nền tảng di động Apple iOS và Google Android có ít lỗi nhất có thể. Cốt lõi ứng dụng phải càng ít bối rối cho người sử dụng càng tốt.

Trong kỷ nguyên di động, ứng dụng chỉ tập trung vào tính năng là chưa đủ, vì nó không có "não"

Luanne Calvert, Giám đốc Marketing (CMO) của Virgin America cho biết: “Khác với các ứng dụng hàng không khác, chúng tôi tập trung vào việc cân bằng giữa tính năng và thiết kế đẹp trong quá trình phát triển sản phẩm. Chúng tôi muốn chắc chắn rằng ứng dụng này sẽ mang lại quá trình đặt vé đơn giản, trực quan và nhanh chóng - điều cũng làm khách hàng chúng tôi thoải mái và phấn khích trong hành trình của họ.”

Để mua vé, ứng dụng sẽ hỏi bạn về điểm đến, ngày bạn muốn bay, số lượng hàng khách, bao nhiêu người lớn, trẻ em.. trước khi hiện ra danh sách các chuyến bay và giá tương ứng. Nếu bạn chọn một chuyến bay khứ hồi, ứng dụng sẽ xuất hiện bảng giá thấp nhất trong tháng để bạn so sách. Toàn bộ quá trình này chỉ trong 60 giây. Sau khi bạn đặt vé, bạn sẽ thấy thông tin về chuyến bay, QR code và màu sắc tùy theo điểm đến mà bạn chọn.

Ứng dụng di động của Virgin America đổi màu theo các địa điểm, tạo sự hứng khởi khi chọn địa điểm du lịch - Ảnh: FastCompany

24 giờ trước chuyến bay, ứng dụng sẽ chuyển sang trạng thái “Nghiêm túc” (serious) với giả định bạn sẽ mở ứng dụng để checkin. Màu sắc chuyển từ nền trắng sang màu đen, để giúp bạn kiểm tra thông tin một các hiệu quả.

Gần đến giờ bay, ứng dụng sẽ thông báo cho bạn về vị trí cổng vào để không bạn bị muộn chuyến, cho bạn biết bất kỳ thay đổi nào liên quan tới chuyến bay, khi nào bạn được lên máy bay giống như một trợ lý luôn bên cạnh bạn. Bạn không cần vào website và liên tục bấm F5 để tìm thông tin về chuyến bay hay phải căng tai nghe thông báo trong phòng chờ như chúng ta vẫn thường thấy tại các sân bay Việt Nam.

Một giá trị "vuốt ve" khách hàng khi ứng dụng của Virgin America cũng mang lại một điểm mới là tích hợp sẵn với dịch vụ âm nhạc Spotify. Tùy theo điểm đến, bạn sẽ có một danh sách bài hát để nghe tương ứng.

Tích hợp ứng dụng với đối tác khác không phải là cách các hãng hành không hay làm, tuy nhiên cơ hội và tính ứng dụng cho tương lai là rất rộng mở. Hãy tưởng tượng một nhóm hẹn hò qua Tinder hay trò truyện qua Facebook Messenger, chỉ bấm nút để đặt vé cùng bay với Virgin.

Digital Transformation - Chuyển dịch sang số hoá: xu thế tất yếu của ngành du lịch


Với sự dịch chuyển thói quen của người sử dụng sang di động và mức độ cạnh tranh mạnh mẽ trong ngành du lịch, doanh nghiệp nào nắm bắt cơ hội để cung cấp giá trị và trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng thông qua digital sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

Với các doanh nghiệp nhỏ vốn có tốc độ triển khai nhanh hơn, sẵn sàng thử nghiệm sẽ là lợi thế tương đối khi cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn. Airbnb cũng từng bắt đầu khiêm tốn trước khi trở thành một doanh nghiệp có giá trị hơn 30 tỉ USD và không ngừng phát triển như hiện nay.

VŨ VĂN HIỂN (Đồng sáng lập SocialOne.us)

Không có nhận xét nào

Khi nhận xét, vui lòng dùng Tên riêng hoặc Nickname

Được tạo bởi Blogger.