Header Ads

Chuyển việc từ ngành khác: Có nên bắt đầu sự nghiệp Digital Marketing bây giờ?

 

Sau vài năm làm việc, bạn muốn dấn thân vào ngành Digital Marketing và đối diện với những đắn đo.

Bạn cần phải chăm lo cho gia đình, nếu mức lương mới không tốt như hiện tại sẽ là gánh nặng. Con còn nhỏ, bao nhiêu chuyện phải lo. 

Đối diện với sự kỳ vọng của gia đình, bạn không cho phép mình thất bại. 

Bạn thấy lo rồi. 

Biết khi nào mình mới ổn. Con đường mới liệu có tốt hơn?

Liệu mình có phù hợp không? Không bằng cấp liên quan, kinh nghiệm từ ngành khác liệu có được chấp nhận? Liệu mức lương mới có ổn?

Tôi hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm dũng khí trong chọn lựa và bắt đầu hành trình của riêng mình.

Tóm tắt bài viết:

  • Nhân sự digital marketing chuyển đến từ các ngành khác là chuyện bình thường
  • Đổi việc không dành cho tất cả mọi người vì việc này đòi hỏi sự hy sinh trong ngắn hạn.
  • Mở đường từ công ty hiện tại 
  • Một số hành trang chuẩn bị cho chuyển việc

Bắt đầu sự nghiệp marketing khi bạn không có bằng cấp, thậm chí chỉ mới học một khóa về digital marketing ngắn hạn có được không?

Rất nhiều giám đốc kỹ thuật số mà tôi có dịp gặp và trao đổi đến từ các ngành khác: IT, Quản trị kinh doanh, Marketing trong ngoài nước đủ cả. Hầu hết họ đã bắt đầu sự nghiệp của mình từ các vị trí cấp thấp. 

Bản thân tôi đã bắt đầu nghề nghiệp từ công việc nhỏ nhất, một chuyên viên. Tôi đã làm thiết kế web, tự tay làm SEO, tự chạy Google Adwords trước khi được cất nhắc thành giám đốc cấp cao, chịu trách nhiệm toàn bộ các hoạt động về marketing cho một số tập đoàn trong ngoài nước.  

Trước đây, tôi đã theo học một số khóa học marketing ngắn hạn để cập nhật kiến thức. Trong 2 lớp về marketing mà tôi theo học, mỗi lớp có khoảng 30 học viên. Sau khi chúng tôi tốt nghiệp và chia tay nhau, chỉ có vài người chuyển sang ngành marketing.

Vì sao rất nhiều bạn theo học để thay đổi công việc nhưng không mấy ai thay đổi sau khi hoàn thành khóa học? 

Một trong các nguyên nhân quan trọng tạo ra sự khác biệt đó là khả năng hy sinh.


Khả năng hy sinh

Bạn học viên A. của tôi làm ngành xuất nhập khẩu. Bạn ấy đang là trưởng phòng ở công ty với mức lương khá cao, yêu thích marketing và muốn thay đổi công việc. Sau khi học xong, bạn A. quyết định vẫn làm công việc cũ. 

Bạn A. cho biết hiện tại mức thu nhập và chi tiêu của bạn khá cao, nếu đổi sang làm digital marketing thì bạn sẽ phải điều chỉnh lại việc tiêu dùng - điều bạn không muốn. Công việc của A. ở công ty hiện tại rất ổn định, với tuổi của bạn khó tìm việc ở cấp nhân viên; có việc cũng không thoải mái để làm nhân viên trong ngành mới. 

Những suy tư này rất khác với những bạn mới làm việc 2-3 năm. Với mức lương hiện tại không quá cao và triển vọng ngành digital marketing đầy hấp dẫn, họ có thể chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn để tìm kiếm tương lai của chính mình. 

Khi bạn đang làm một công việc khác, cũng giống như bạn đã có một ngôi nhà. Căn nhà có thể là một căn hộ sang trọng sau nhiều năm làm việc, cũng có thể là một căn nhà phố nho nhỏ ở những năm đầu sự nghiệp. Bạn muốn xây một căn nhà khác ngay trên chính mảnh đất hiện tại, bạn phải đập căn nhà cũ đi. Thời gian đập đi xây lại, căn nhà bị bao phủ trong bụi bặm, tiếng ồn. Sự nhọc nhằn là điều khó tránh khỏi. Nếu bạn không thể chịu đựng được chuyện đó thì căn nhà mơ ước sẽ không bao giờ xuất hiện. 

Với các trường hợp tôi biết, thời gian khó khăn chỉ kéo dài khoảng 6 tháng đầu tiên. Sau 6 tháng, các bạn có thể di chuyển khá dễ dàng, bắt đầu có sự thăng tiến trong công ty hiện tại. Nếu phải đổi việc, các bạn ấy cũng tự tin tìm được việc mới dễ dàng. Mặc dù con số 6 tháng thần kỳ này không áp dụng cho tất cả mọi người, báo cáo từ InsideOut Development cho biết 32% tin rằng họ xứng đáng được thăng chức sau 6 tháng làm việc.

Nghiên cứu của Pew Research cũng cho thấy nhóm Gen Z (nhóm có độ tuổi nhỏ hơn hoặc bằng 22) sẵn sàng hỏi sếp mình về việc tăng lương, lên chức sau 1 năm làm việc và thường không có kế hoạch ở lại lâu dài. Có hơn 75% trong số những họ cũng  tin rằng họ nên được thăng chức trong năm đầu tiên.

Mở đường từ công ty hiện tại 

Đây là chiến lược yêu thích của Shama Hyder, CEO of Zen Media4, đặc biệt hữu ích khi bạn làm việc cho một công ty lớn.  

Hãy mời đồng nghiệp ở phòng marketing công ty bạn đi ăn. Bạn sẽ học hỏi được vô số những điều thú vị từ họ. Đôi khi họ sẽ trở thành người sếp đầu tiên trong sự nghiệp marketing của bạn. 

Tôi biết một số bạn đã vào nghề marketing theo cùng một cách. Sếp marketing ở công ty cũ nghỉ qua công ty mới, vì cần người gấp nên tuyển nhân viên công ty cũ (dù làm nghề khác) rồi vừa làm vừa hướng dẫn cho tới khi bạn nhân viên tự đi con đường riêng của mình. Tôi cho rằng sự tin cậy là yếu tố quan trọng trong trường hợp này. 

Một trường hợp khác khá phổ biến là đồng nghiệp cũ giới thiệu qua công ty đối tác hoặc công ty họ đang làm việc.

Hành trang vào nghề

Chuẩn bị kinh nghiệm cho CV trong quá trình học

Khi bạn mới bắt đầu sự nghiệp, tìm công việc đầu tiên hẳn là một thách thức không nhỏ.

Cạnh tranh với các ứng viên khác khi gửi CV và nhận được lời mời đến phỏng vấn là một trong các phần khó nhất. CV cần được chuẩn bị kỹ càng, thể hiện được bản thân bạn bao gồm cả kinh nghiệm.

Công ty nào cũng ưu tiên những ứng viên có kinh nghiệm, vậy thì kinh nghiệm ở đâu cho các bạn từ ngành khác hay sinh viên mới tốt nghiệp?
Kinh nghiệm không nhất định đến từ công việc trong doanh nghiệp, nó có thể đến từ những gì bạn học và tập luyện.

  • Trong quá trình học digital marketing, bạn làm dự án cá nhân, tự chạy quảng cáo cho người quen, thử nghiệm sức mạnh của SEO với một số từ khóa có sức cạnh tranh vừa phải để luyện tập.  
  • Khi bạn học làm website với Wordpress, tự thiết kế một website cho một công ty bằng Divi, thử nghiệm cài đặt Woocommerce để bán hàng, tự chạy quảng cáo cho chính sản phẩm của mình sẽ là một kinh nghiệm đáng giá.
  • Học Facebook Ads, thử nghiệm tăng likes, tăng tương tác, tăng số lượt xem  video, thi các chứng nhận trong chương trình Facebook Blueprint đều là các trải nghiệm mang lại sự tự tin cho bạn trong buổi phỏng vấn.
Hầu hết các nhà tuyển dụng đều có mong đợi hợp lý với với những bạn mới bắt đầu, họ không thể đòi hỏi ứng viên có kỹ năng cực đỉnh hay kinh nghiệm dày dạn cho một vị trí junior. 

Các bạn mới bắt đầu sự nghiệp thường được tuyển vì tiềm năng phát triển trong tương lai,  niềm đam mê và những kỹ năng bạn có thể mang đến cho công ty. Với các bạn trẻ,  năng lượng và khao khát học hỏi là các yếu tố quan trọng để đánh giá ứng viên.

“Briefcase Technique” - bài tập trước interview

Đây là kỹ thuật do Ramit Sethi giới thiệu, áp dụng cho các buổi interview bạn không có nhiều kinh nghiệm. Nói một cách ngắn gọn, bạn sẽ làm cho nhà tuyển dụng bất ngờ bằng cách nghiên cứu và cho họ thấy mình có thể làm được gì.  

Trước buổi phỏng vấn, hãy dành thời gian để đánh giá các hoạt động về digital marketing của công ty trên các kênh chính như: website, Facebook page, Youtube channel. 
  • Hãy nghiên cứu website công ty từ nội dung, cấu trúc trang, hình ảnh, công nghệ, đo tốc độ tải trang, thử sử dụng các tính năng mà website cung cấp. 
  • Thử các từ khóa liên quan tới thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ để kiểm tra SEO, trải nghiệm người dùng trên kết quả tìm kiếm. 
  • Hãy đánh giá các nội dung và hoạt động trên Facebook Page, thử chat với FB page để trải nghiệm việc hỗ trợ khách hàng, có cài đặt sẵn FB chatbot không, chatbot đang hoạt động thế nào. 
  • Sử dụng SocialBaker, Fanpage Karma giúp bạn so sánh số lượng fan và tốc độ tăng trưởng của chúng, các điểm đáng chú ý trong quá khứ.
  • Sử dụng Google Search tìm các bài PR của brand, bài báo về công ty xem họ đang có kế hoạch gì, đang quan tâm điều gì, công chúng nói gì về họ.
  • SimilarWeb sẽ cho bạn biết về số người vào xem trang web, nguồn traffic từ đâu. 
  • Nếu công ty có mobile app, hãy cài đặt và sử dụng thử các tính năng của ứng dụng. 
Tuy nhiên, đây cũng là điều mà hơn 90% các ứng viên làm tương tự với suy nghĩ tích cực nhất. Hãy mang những gì bạn học được với thái độ khiêm tốn vì bạn chỉ mới bắt đầu mà thôi. “Đây là một quan sát từ bên ngoài của em, không có gì làm em thấy vui hơn nếu nó có thể giúp ích gì đó.”

Khó

Nước trong thì không có cá
Cẩn thận quá thì không có tiền
Cơ hội tốt thường không rõ ràng
Mà rõ ràng quá thì không tới lượt bạn 
- Shark Hưng -
Đọc xong, bạn hiểu hơn nhưng vẫn cảm thấy khó?
Vẫn có nhiều điều chưa rõ ràng, nhiều băn khoăn.

Điều này là rất bình thường, nếu bạn hoàn toàn rõ ràng chỉ sau một bài viết mới là vấn đề.

Lúc bạn bước đi chập chững, tập cầm đũa, tập chạy xe đạp, tập bơi, bạn có gặp khó khăn gì không? Lúc bắt đầu, không có gì là dễ dàng. Trầy trụa lúc tập xe hay uống vài ngụm nước hồ bơi không phải là chuyện gì hiếm lạ.

Lớn lên, bạn đối diện với các kỳ thi tốt nghiệp, thi chuyển cấp, thi đại học, có phải bạn cũng bỏ ra rất nhiều nỗ lực, thời gian hay không? Muốn đạt được kết quả tốt, không bỏ ra chút gì là không bao giờ có, phải không nào. 

Hãy nhìn lại lần nữa những gì bạn đã vượt qua trong hơn 20 năm bạn có mặt trên thế giới này. Bạn đã mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn, đã chiến thắng những trở ngại tưởng chừng không thể. Bạn có thể bị trầy trụa như lúc tập xe trước khi hoàn toàn kiểm soát được chiếc xe đạp của mình. 

Bạn từng yêu, những cơn quặn tim trong những giận hờn hay nỗi đau đớn lúc chia tay có ngăn cản bạn yêu lần nữa không? Muốn đơm hoa trong hạnh phúc, mấy ai một lần mà thành công. 

Trong trường hợp bạn có quyết định hôn nhân đại sự, tôi tin 100% bạn sẽ thành công. Việc khó thế mà bạn còn làm được thì cái gì sẽ ngăn được bạn đây. 

Nếu không thuận lợi qua ải, hãy nhớ rằng bạn luôn có thể chọn lại, điều mất đi có khi chỉ là vài tháng thời gian đi vào lối rẽ. 

--

Phần lớn các nội dung trong bài được trích từ quyển sách Full-Stack Digital Marketers, quyển sách TOP 28 về Sách hướng nghiệp trên AMAZON*
Phần một quyển sách mô tả toàn cảnh về ngành nghề digital marketing, triển vọng công việc, mức lương trên thị trường, các vị trí và lộ trình sự nghiệp trong các nhóm công ty phổ biến.

Đâu là  kỹ năng mà các Full-Stack Digital Marketers cần có và làm thế nào hoàn thiện được chúng trong lộ trình nghề nghiệp?

Phần hai quyển sách sẽ đề cập việc học digital marketing như thế nào: phương pháp học là gì, học ở đâu, cập nhật thông tin như thế nào trong một ngành có tốc độ thay đổi trong chớp mắt.  


Một số nội dung khác được trích từ sách có thể sẽ giúp ích cho bạn:

Chúc bạn một hành trình thuận lợi, nhiều may mắn và niềm vui! 


Không có nhận xét nào

Khi nhận xét, vui lòng dùng Tên riêng hoặc Nickname

Được tạo bởi Blogger.