Header Ads

Mùa len trâu - The Buffalo Boy


Mùa len trâu (Buffalo Boy) nổi bật với một cốt truyện mạnh hơn thường thấy trong các bộ phim về nông thôn Việt Nam và một giọng điệu khoáng đạt trong phân bố cảnh vật và tính cách.
 -- Variety.com 9/8/2004 --


Lễ 30.4, tôi có thời gian xem một số bộ phim tôi thích mà thường ngày chưa được xem. Càng xem nhiều phim, tôi càng mê mệt những bộ phim có khung cảnh, chất liệu Việt Nam: Người Mỹ Trầm Lặng, Dòng máu anh hùng, Trăng nơi đáy giếng. Cuộc sống Việt Nam hiện lên đẹp đẽ, sống động trong từng câu chuyện của riêng mình. Trong số đó, Mùa len trâu mang lại cho tôi nhiều cảm xúc.

Phim Mùa Len Trâu làm tôi nhớ lại một thời nước nổi, khi gia đình bác tôi còn phải leo lên giường suốt mấy tháng. Gia đình có lẽ đã quen cảnh này, nên đón nhận nó một cách tự nhiên, không có chút sợ hãi như tôi mường tượng. Tôi đi hai chuyến xe đò, một chuyến từ nhà lên Sài gòn, ở tạm nhà người quen. Sáng hôm sau đón xe từ Bến xe Miền Tây theo đường về Rạch Giá. Nhà bác tôi cách đường lộ hơn chục km, muốn vào phải đi đò. Mỗi ngày đò vào chỉ có 2 chuyến: sáng sớm hoặc lúc 5h chiều. Có lần lỡ đò, tôi với mẹ lội bộ rã cẳng mới tơí nơi. Ấn tượng đi ghe theo tôi hơn 20 năm qua, cùng với cảnh vật và con người đôn hậu, nhiệt tình.

 Tôi nhớ đến cảnh mênh mông bất tận của khi chèo thuyền đứng giữa ruộng cách đây vài năm, lọt thỏm giữa biển nước với gió mát rượu, nhớ những lần đi cắm câu đêm với tiếng côn trùng xa vắng. Tôi nhớ cảm giác rờn rợn sợ gặp rắn khi thò tay xuống làn nước lạnh giá ban đêm.

Mùa Len Trâu - Khung cảnh Tây Nam Bộ
Một bộ phim đầy chất thơ với những cảnh tuyệt đẹp của miền Nam Việt Nam" - Le Figaro

Bộ phim được làm vào năm 2003, có kinh phí khoảng 1 triệu USD, với sự tham gia của ba hãng : Hãng phim Giải Phóng Việt Nam, 3B Productions Pháp và Novak Prod Bỉ. Bộ phim được trình chiếu ở Pháp với tên Gardien de buffles và ở Mỹ với tên Buffalo boy.

Phim đưa người về miền Tây Nam Bộ vào những năm1930-1940. Khi mùa nước lên, bao phủ khắp mọi nơi, lụt từ 1m đến 4m. Ở vùng nước lụt, con người không có chỗ ở, trâu cũng không có chỗ. Với nông dân, gia sản của họ chỉ có trâu, đất đai là của địa chủ. Bảo vệ, nuôi trâu khỏe mạnh là một ưu tiên hàng đầu vào mùa này.

Khi nước lụt, trâu không cỏ để ăn, người nuôi phải đưa đến những vùng đất cao hơn để tìm cỏ. Trong bộ phim có nói đến vùng Bảy Núi, Ba Thê: "Núi non trập trùng, trâu ăn cỏ nghẹn đồng, ngứa lưng cọ mình vào cột đền vua chúa mà gãi sột sột. Trâu đen đồng, đặc nước giống như thời thiên địa sơ khai, càn khôn lẫn lộn." Đây là đích đến của chuyến đi với  độ dài 30-40 km, đưa trâu lòng vòng ở những chỗ có cỏ để đủ sức đến nơi.

Không phải ai cũng có khả năng đưa trâu đi 3-4 tháng, chìm trong mưa và làn nước mênh mông giá lạnh. Lúc này, những người "len" trâu xuất hiện. Len" trong tiếng Khmer có nghĩa là đi tự do, "len trâu" có nghĩa là cho trâu đi tự do. Len trâu trong mùa nước nổi chắc chắn là công việc độc quyền của đàn ông mà nước là một ranh giới. Những người đi len trâu sống trong một thế giới khu biệt, đậm đặc nam tính với ân oán giang hồ, giành giật cướp bóc,  tình yêu và nghĩa khí Nam bộ.. Tối vừa chén chú chén anh trong từng hồi Dạ cổ hoài lang không dứt, đêm đã đánh nhau đến lòi ruột.

Thông qua câu chuyện của phim, chất Nam Bộ thể hiện trong từng cảnh "ngập nước" của Mùa len trâu: đoàn đi len với hàng trăm con trâu giữa cánh đồng nước nổi; mưa dầm giữa buổi chiều trong tiếng đàn bầu buồn nẫu ruột; cơn lũ tràn về giữa đêm khuya cuốn trôi nhà cửa; người dân ăn cơm nắm với mắm, ngủ trong chiếu quấn thay chăn màn; người chết không có đất chôn giữa mùa nước...

“Điện ảnh không còn dừng lại ở giải trí mà đem đến một thông điệp văn hóa sâu sắc”
Olivier Dubois - Giám đốc Novak Productions nhận xét về bộ phim


Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh: "Tôi thích Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam từ những năm học trung học. Càng đọc tác phẩm này, tôi càng chiêm nghiệm thêm được nhiều điều mới mẻ. Trong Hương rừng Cà Mau, tôi đã thấy vẻ đẹp rất đặc biệt của một không gian bị nước bao phủ, mặc dù chưa từng đặt chân tới. Tôi rất thích hình ảnh và những triết lý về nước. Đó là biểu tượng của sự chết. Bởi mùa nước nổi không có đất để chôn nên người ta dìm xác người ở dưới nước, trâu bò chết mục ra... Nhưng nó cũng là biểu tượng của sự sống vì người nông dân phải nhờ có nước để sống. Mặt khác, tôi cảm nhận được nước còn là biểu tượng của thời gian trôi qua và thời gian mang tính chất lịch sử đang trên đà bị mất đi."



"Nước là một nhân vật luôn hiện hữu trong suốt cả bộ phim. Nước trong nhiều nền văn hoá khác nhau, ngay cả trong văn hoá Việt Nam, là biểu tượng của sự trong sạch, của sự sống. [...] Tôi thấy rằng, trong một tác phẩm nghệ thuật, nếu chúng ta gọi phim là một tác phẩm nghệ thuật, thì các biểu tượng, ẩn dụ phải vượt ra ngoài những ý nghĩa thông thường mà chúng ta vẫn từng quen thuộc. Trong phim, nước là biểu tượng hỗn hợp cả sự chết lẫn sự sống. Đó là hai yếu tố rất là đối kháng nhau, nhưng không thể phân chia ra được"

Mùa len trâu đã không chỉ chinh phục người xem bằng những thước phim tuyệt vời về một vùng đất hoang dã. Mưa, nước, nhịp điệu đã vượt ra khỏi sự mô tả thông thường của một câu chuyện kể. Cái lạ về cảnh sắc, tập quán đã nhường sức chinh phục cho cái đẹp khám phá cuộc sinh tồn của con người trước thiên nhiên và đồng loại. Mùa nước nổi, đất Bảy Núi, đàn trâu lội… chỉ như là những hình hài để cuộc sống "bảy chìm ba nổi" của "những người đàn ông không làm chủ được gì" có thể làm rung động sâu sắc, không chỉ những khán giả muốn thẫn thờ một chút Việt Nam trên màn bạc.

Các phim gần đây như Những nụ hôn rực rỡ, Công chúa Teen hay một bộ phim được marketing thổi tận mây xanh là Bẫy Rồng liệu có một sức sống mãnh liệt, được khán giả đón nhận và xúc động sau gần 10 năm? Câu trả lời chắc sẽ không quá khó với bạn !

Tham khảo:
http://vietbao.vn/Van-hoa/Diem-5-cho-Mua-len-trau/40061286/183/
http://vietbao.vn/Van-hoa/Bao-gio-cho-den-Mua-len-trau/70013267/181/
http://vietbao.vn/Van-hoa/Mua-len-trau-Suc-hap-dan-cua-su-chan-thuc/70013470/181/
http://vietbao.vn/Van-hoa/Xem-Mua-len-trau-den-mot-the-gioi-khac/70001713/181/
http://vietbao.vn/Van-hoa/Mua-len-trau-Khoc-liet-nhung-nghen-chan-tinh/30059585/183/
http://vietbao.vn/Van-hoa/Bao-gio-cho-den-Mua-len-trau/70013267/181/
http://www.yxine.com/?gf=bv&view=1&articles_id=315
http://vnexpress.net/gl/van-hoa/2005/06/3b9ded09/

1 nhận xét:

  1. Lần đầu tiên Tôi được xem một bộ phim khi tuổi đã như gần chín mà để lại trong Tôi nhiều ấn tượng. Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả, liệu rằng rồi 10 năm sau, nền điện ảnh Việt Nam có mấy bộ phim được nhắc tới, được ghi nhớ và có giá trị như vậy. Và quả thực, cảm ơn tác giả khi đã gọi tên rằng, nước là biểu tượng của sự sống nhưng cũng là biểu tượng của cái chết. Bộ phim quá chân thật, từ khung cảnh, con người, tình tiết, sự kiện, lời thoại, những góc quay đủ cho Tôi thấy sự nhiệt tâm của đạo diễn. Lang thang phim cuối tuần đã cho tôi bắt gặp một giá trị và may mắn hữu ích cho kỳ bảo vệ luận văn sắp tới của Tôi! Cảm ơn những trí thức xứng danh là trí thức! Nghệ sĩ là Nghệ sĩ Chân chính!

    Trả lờiXóa

Khi nhận xét, vui lòng dùng Tên riêng hoặc Nickname

Được tạo bởi Blogger.